Tin tức

Khôi Phục Dòng Gốm Cổ Luy Lâu

Luy lâu là vùng đất cổ nằm bên bờ sông Đuống thuộc Thiên Đức, huyện Thuận thành, tỉnh Bắc Ninh với dấu tích các chùa chiền, dinh thự, đền đài nguy nga vang bóng một thời. Vùng đất cổ này còn có một dòng gốm cổ dân gian đặc sắc, niên đại cách đây trên dưới 2000 năm.

1.Dòng gốm dân gian đậm nét

Các cuộc khai quật gốm cổ Luy Lâu (hay còn gọi là gốm Dâu) ở khu vực như Nguyệt Đức, Thanh Khương, Bãi Định, Bãi Nổi, Hà Mãn…thuộc huyện Thuận Thành đã cho thấy nét nổi bật của dòng gốm này là một loại men lạ mắt phủ màu xanh ô-liu trầm ấm và trong vắt. Khi xem màu và chất liệu men của dòng gốm cổ Luy Lâu nhiều người liên tưởng đến màu xanh ngả bí của dòng gốm Thiệu Dương, Thanh Hoá. Thậm chí, nhiều sản phẩm của dòng gốm này khiến ta dễ nhầm lẫn. Giáo sư sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Dòng gốm Thiệu Dương, Thanh Hoá xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Công nguyên nên có lẽ gốm cổ Luy Lâu cũng đồng niên đại như vậy. Đây là dòng gốm phát triển có niên đại cách đây đã trên dưới 2000 năm”.

Cho đến nay, những sản phẩm gốm cổ Luy Lâu vẫn được coi là sản phẩm mẫu mực của dòng gốm dân gian rất đậm nét tồn tại trong xã hội cổ đại nước ta, tiêu biểu cho dòng gốm bản địa ở phương Nam. Xưa kia các nghệ nhân làm gốm cổ Luy Lâu đã có một trình độ kỹ thuật cao. Sản xuất gốm được làm trên bàn xoay là một thớt gỗ tròn dưới trục quay cắm xuống đất. Kỹ thuật của bàn xoay là một miệng đất dẹt hình đĩa dùng cân đáy, sau đó lấy một thỏi đất vê xếp vòng tròn cao lên dần, trên gần miệng vê đất dày hơn cho miệng đầy đặn. Cách tạo hình này giúp cho phần giáp giới giữa đáy và vòng đất đầu tiên không lưu lại một rãnh lõm.

Gốm cổ Luy Lâu có nhiều dòng sản phẩm. Ngoài những vật liệu xây dựng như gạch ngói các loại, đồ dùng sinh hoạt có men hoặc không men như bát, đĩa, âu, vò… phục vụ cho tầng lớp quý tộc quan lại và thị dân còn có những sản phẩm bình dân đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của dân chúng. Trang trí hoa văn trên gốm Luy Lâu là hình chữ S trên những viên gạch, là vòng tròn tiếp tuyến trên khuôn đúc đồng, đường vặn thừng thô hay mịn trên các nồi gốm. Sắc thái của đồ gốm cổ Luy Lâu xưa phổ biến là màu đỏ thẫm hoặc xám nhạt; xương gốm có các hạt cát, bã thực vật, vỏ ốc hến. Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Việt nói: “Dù thời gian hàng nghìn năm trôi qua, sản phẩm gốm cổ Luy Lâu vẫn là những mẫu mực về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Những viên gạch gốm Luy Lâu vẫn độc nhất vô nhị, có kích thước 50cm x 25cm rất hiếm thấy. Ngoài yếu tố bền vững, nó còn được trang trí hoa văn khắc nổi hai bên hông và được tô điểm bằng một lớp men ô-liu trông thật trang nhã, đẹp mắt và đầy cảm hứng”.

Ông Nguyễn Việt cho rằng, màu men trên gốm cổ Luy Lâu ở vào thời kỳ lò nung còn hết sức thô sơ, đơn giản chỉ bằng củi rác thì rõ ràng là một sự đột phá kỹ thuật và yếu tố bí quyết đặc thù nguyên liệu. Nguyên liệu để chế tác men gốm là chất hữu cơ của các loại tro, trong đó có tro từ thân cây dâu được trồng ở vùng Keo, Sủi, Phú Thuỵ-quê huơng của Nguyên Phi Ỷ Lan.

2.Khai thông dòng gốm cổ

Mấy năm gần đây, giới quan tâm đến đồ gốm bắt đầu chú ý đến sự xuất hiện của một dòng sản phẩm độc đáo và hấp dẫn bởi những sắc thái cổ điển của chất liệu, có đặc điểm hiện đại về phong cách tạo hình. Người làm ra sản phẩm gốm này là hoạ sỹ-nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông, một người con sinh ra ở vùng đất Thuận Thành.

Khi đã thành danh trong làng gốm Bát Tràng, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông bắt đầu chú ý đến các sản phẩm gốm quê mình vốn chỉ còn trong các bộ sưu tập. Anh đã từng tha thẩn bên các hố khai quật, đàm đạo, học hỏi ở các nhà khảo cổ học, trong đó có cả cố giáo sư Trần Quốc Vượng để hiểu biết sâu sắc hơn về vùng đất quê hương Hà Mãn. Từ những hiểu biết đó, Nguyễn Đăng Vông đã nhóm lên ý tưởng khôi phục dòng gốm cổ Luy Lâu. Anh cho biết: “Tôi bắt đầu làm sản phẩm gốm Luy Lâu từ năm 1993. Khi thấy các điều kiện làm gốm chín muồi, năm 2006 tôi đã thành lập Hợp tác xã Gốm Mỹ nghệ Luy Lâu. Hợp tác xã có 30 xã viên với nguồn vốn ban đầu chỉ có 250 triệu đồng, có một xưởng thiết kế và một xưởng sản xuất rộng chừng 600 m2”.

Xưởng thiết kế mẫu của Hợp tác xã nằm trong khu đất nhà anh Vông, nơi đây trưng bày sản phẩm gốm cổ gồm vò, lọ bằng gốm, bằng sành; đồ bát, đĩa sứ có men và không có men; đồ trang trí cho sân vườn, tiền sảnh gồm tháp, tượng người, động vật…khá phong phú. Nhiều sản phẩm mới thiết kế đã được khách hàng đặt mua ngay. Điều mọi người dễ dàng nhận thấy ở dòng gốm Luy Lâu hiện đại là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, tạo nên sắc thái riêng. Hình khối của sản phẩm lớn hơn nhiều so với gốm cổ, bố cục tuân theo luật cơ bản và khắt khe về mỹ nghệ, có tư duy nghệ thuật cao. Các sản phẩm vẫn đảm bảo yếu tố lý, hoá, chất đất, nhiệt độ để tạo ra màu và chất men xưa. Những hình ảnh đắp nổi trên các sản phẩm gốm có hồn, sống động và theo chủ đề dân gian là chính và mang đậm bản sắc văn hoá Kinh Bắc. Đó là hình ảnh Đám cưới chuột, Chú bé cưỡi cá chép, Đánh ghen…trong tranh dân gian Đông Hồ. Đó là những cảnh sinh hoạt của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình…

Sản phẩm gốm Luy Lâu hiện đại vẫn được làm bằng nguyên liệu đất sét có gốc phù sa được khai thác ngay tại chỗ ở khu vực các xã Hà Mãn, Thanh Khương, Gia Đông, Nguyệt Đức. Đất ở đây lượng Fe2O3 đã chuyển hoá thành Fe3O4 nên khi đốt cháy ở nhiệt độ từ 900-10500 C, gốm Luy Lâu đã có độ đanh và hơi xốp.

“Đến nay chúng tôi đã có hơn 1.000 mẫu gốm thiết kế. Sau cuộc hội thảo “Lịch sử hình thành và giải pháp khôi phục, phát triển dòng gốm cổ Luy Lâu”, chúng tôi đã nhận được một đơn đặt hàng từ Mỹ trị giá 4 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, chúng tôi cũng đang gặp phải khó khăn trong việc làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Hơn nữa, nguyên liệu làm men ô-liu là thân cây dâu hiện nay rất khan hiếm nên chỉ có 50% là than cây dâu, 50% là than thực vật khác”-Ông Nguyễn Văn Vẹn, Phó chủ tịch UBND xã Hà Mãn cho biết.

Hiện nay, Hợp tác xã Gốm Mỹ nghệ Luy Lâu đang duy trì hai dòng sản phẩm chính: Gốm mỹ nghệ đơn chiếc sản xuất theo đơn đặt hàng và sản phẩm gốm đại trà có kiểu dáng đơn giản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội bộ trong nước.
Chúng ta hy vọng rằng dòng gốm cổ Luy Lâu đang được khơi dòng bằng bàn tay và khối óc của những người con quê hương Thuận Thành sẽ mang lại khởi sắc và trong tương lai gần, vùng đất Hà Mãn của huyện Thuận Thành sẽ trở thành điểm đến trong tour du lịch Luy Lâu-Chùa Dâu-Bút Tháp của vùng Kinh Bắc xưa.
Trúc Thủy
Viện Nghiên cứu Văn Hóa

bien tan yaskawa v1000