Giới thiệu

Gốm Luy Lâu là dòng gốm cổ xưa bậc nhất tại Việt Nam, ”Luy Lâu” là một địa danh nằm bên bờ sông Đuống thuộc phủ Siêu Loại, sau này là phủ Thuận Thiên và nay là huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Thành cổ Luy Lâu (hiện còn dấu tích ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh) đã từng là quận trị thời Bắc thuộc từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên - một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, Phật giáo cổ xưa nhất nước ta.

Điều đáng nói là trong vòng hai năm trở lại đây, giới quan tâm đến đồ gốm nước ta đã chú ý đến sự xuất hiện một dòng sản phẩm độc đáo và hấp dẫn bởi những sắc thái cổ điển của chất liệu không trộn lẫn với những dòng gốm đang có lại rất hiện đại về phong cách tạo hình. Bàn tay tiêu biểu tạo nên những sản phẩm này là một nghệ nhân được nhiều người biết đến, ban đầu như một tài danh của những lò gốm Bát Tràng - đó là nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông. Anh vốn gốc người Thuận Thành, Bắc Ninh,vùng đất vốn nổi tiếng với các ngôi chùa cổ : chùa Dâu, chùa Keo, lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ Lạc Long Quân - Âu Cơ, với những làng rối nước ở Ngũ Thái, làng tranh Đông Hồ, làng Ca trù Thanh Tương …và làng gốm ở Hà Mãn.

Anh Nguyễn Đăng Vông kể lại rằng, khi đã thành danh trong làng gốm Bát Tràng, anh bắt đầu chú ý đến những sản phẩm của vùng quê mình vốn chỉ còn trong các bộ sưu tập và đặc biệt là đến những phát hiện của nghành khảo cổ.

Thầy Trần Quốc Vượng sinh thời rất gắn bó với công việc nghiên cứu vùng đất cổ Luy Lâu đã cho rằng: Chính những hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn quê hương bản quán, vùng quê Hà Mãn, Thuận Thành của mình đã nhóm lại trong lòng người nghệ nhân của Gốm Bát Tràng này ngọn lửa được khơi lại từ những lò gốm Luy Lâu đã nguội lạnh cả ngàn năm. Những sản phẩm gốm đỏ vùng Dâu Luy Lâu cho đến nay vẫn được coi như những sản phẩm mẫu mực đạt các tiêu chuẩn kỹ-mỹ thuật đặc thù của dòng gốm Phương Nam mà lâu nay các nhà khoa học đã đặt cho cái tên là gốm Sông Hồng. Như vậy thực chất gốm Sông Hồng chính là dòng gốm đỏ Luy Lâu.

Dù sao đi nữa gốm Luy Lâu đã trở thành ấn tượng lịch sử mà ngày nay thời mở cửa người ta quen gọi là thương hiệu. Xem ra gốm Luy Lâu đã có thương hiệu từ rất lâu rồi.

Anh Nguyễn Đăng Vông đã quyết định trở về quê hương của mình tập hợp những người bạn trong làng quyết khơi lại dòng gốm cổ.Từ những thể nghiệm của cá nhân,người nghệ nhân đất Hà mãn này đã thành lập một hợp tác xã với quyết tâm làm cho ngọn lủa lò cháy mãi trên quê hương của mình.

Nhà sử học: Dương Trung Quốc

Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

bien tan yaskawa v1000