Sinh ra tại Mãn Xá, từ nhỏ Nguyễn Đăng Vông đã được xem ông nội làm những chú lợn đất, con giống đất, nung lửa rơm, quết phẩm mầu bán ở chợ quê ngày Tết. Những năm đi học, Vông được theo chân các nhà khảo cổ đi khai quật tìm kiếm di chỉ gốm Phùng Nguyên, Đông Sơn… Sắc màu của những mảnh gốm hay những đồ vật được khai quật đã ám ảnh Vông từ đó, sau khi hết THPT, Vông theo học chuyên ngành mỹ thuật tại trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Bắc (cũ). Kiến thức hội họa được trang bị bài bản đã giúp ích cho Vông trong việc sáng tác mẫu sản phẩm gốm sau này khi anh ra trường và lang thang hàng chục năm qua hầu hết các làng gốm trong Nam, ngoài Bắc. Làm thợ, làm thầy, làm người sáng tác mẫu, dần dà, Vông đã chắt lọc được những tinh hoa của gốm Việt, tích lũy được vốn nghề phong phú, thực hiện ước mơ làm sống lại sắc màu của dòng gốm cổ Luy Lâu ngay tại quê nhà.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, tìm lại được đúng sắc màu và cách thức chế tác xương, men của dòng gốm quê đã tắt lửa nguội lò cách đây cả hàng nghìn năm, Vông lang thang trên những cánh đồng, gò bãi hay ghé lại những ngôi đền, chùa trong vùng. Ở đó, ngoài việc tìm những ý tưởng sáng tác từ những mảnh vụn gạch ngói, bát đĩa, bình lọ hay những họa tiết trang trí cổ, anh còn có thể suy ngẫm và chiêm nghiệm về cuộc sống con người. Vợ và các con anh chẳng bao giờ ngạc nhiên khi giữa đêm khuya, Vông một mình bên gốm trong cuộc trò chuyện không lời…
Ngôi nhà bố mẹ để lại cho vợ chồng Vông bây giờ chật chội, chen chúc những sản phẩm gốm. Sân, vườn cũng là xưởng, lò nung gốm. Gia đình thành HTX gốm Luy Lâu. Làm gốm mất nhiều công sức, đổ nhiều mồ hôi. Đất phải là đất của chính vùng Dâu mà qua rất nhiều tháng ngày lang thang trên đồng bãi quê nhà, Vông mới tìm ra. Đất được luyện thật kỹ, thật mịn và thật dẻo, không quánh, nát để khi chuốt đạt được những yêu cầu kỹ thuật cần thiết và khi phơi, nung không bị biến dạng, cong vênh, nổ, rạn.
Từ bùn đất của sông Dâu, tro than đốt từ thân cây dâu mọc trên phù sa đồng bãi quê nhà, thêm chút sỏi đá của vùng rừng, vỏ sò vỏ điệp của biển, Nguyễn Đăng Vông đã hồi sinh được sắc màu men gốm Luy Lâu cổ truyền là xanh ôliu trầm ấm và trong trẻo, đỏ sậm mạnh mẽ… Đặc biệt, Vông không sản xuất gốm gia dụng mà tập trung vào các mặt hàng gốm mỹ nghệ với nghệ thuật trang trí đầy ngẫu hứng và sáng tạo. Những giá trị truyền thống văn hóa của vùng Kinh Bắc, cuộc sống sinh động của người dân quê… đã được họa sĩ Nguyễn Đăng Vông say sưa tung hứng đầy ngữ điệu và thăng hoa trên những sản phẩm gốm độc đáo và hấp dẫn cùng những sắc thái cổ điển của chất liệu gốm cổ Luy Lâu. Có rất nhiều sản phẩm có kích cỡ và trọng lượng nằm ngoài tầm những sản phẩm bình thường: chiếc Ngọc Bình cao tới tới 2 mét, đường kính chỗ lớn nhất hơn 2 mét, trọng lượng gần 400 kg…
Sự tìm tòi, sáng tạo của Nguyễn Đăng Vông đã đem lại những thành công đáng khích lệ. Trong cuộc triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ nhân Ngày hội di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2005 tổ chức tại Đồng Mô, Hà Tây, sản phẩm “Gốm Vông” đã nhận giải thưởng Quả cầu vàng. Tháng 11/2006, khi tham dự triển lãm do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức chào mừng Hội nghị APEC lần thứ 14, sản phẩm “gốm Vông” đại diện cho HTX Luy Lâu trưng bày được ban tổ chức, du khách trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
Lò gốm làng Mãn Xá lại đỏ lửa, dòng gốm Luy Lâu đã được hồi sinh, như nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: “Dòng gốm Luy Lâu đã và đang được khơi nguồn qua bàn tay, khối óc những con người tài hoa thời hiện đại”.
Nguồn tin: https://baokinhteht.com.vn/home/19670_p0_c120/nguoi-hoi-sinh-dong-gom-co-luy-lau.htm