Tin tức

Khôi phục và phát triển dòng gốm cổ Luy Lâu: Cần nỗ lực đồng bộ

Cùng với gốm Phù Lãng, gốm Luy Lâu (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) là một trong những dòng gốm xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam. Do nhiều nguyên nhân, gốm Luy Lâu đã lụi tàn trong một thời gian dài và mới được nhen nhóm lại trong vài năm gần đây. Để tìm hướng khôi phục và phát triển dòng gốm độc đáo này, mới đây tỉnh Bắc Ninh tổ chức một hội thảo khá quy mô. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng đều thống nhất ở một điểm: cần nỗ lực đồng bộ của cả người dân vùng Dâu và nhiều cơ quan, chức năng.

Thành công của hội thảo quy tụ được nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi, nhiều cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương các cấp cùng nhiều người trực tiếp tham gia sản xuất gốm. Rõ ràng với thành phần tham dự như vậy, tính cộng đồng của hội thảo được nâng cao, những giải pháp đưa ra với nhiều góc nhìn cặn kẽ hơn. Theo các nhà nghiên cứu, gốm Luy Lâu có ưu điểm là xương đất đỏ khá cứng, chịu được nhiệt độ nung lớn và màu men xanh ô liu đặc trưng. Để khôi phục được những đặc điểm này, ông Nguyễn Đăng Vông, chủ nhiệm HTX gốm Luy Lâu, cho biết sẽ phục dựng một hệ thống lò nung cổ xưa với hình mẫu là lò gốm Đương Xá (xã Vạn An, huyện Yên Phong) đồng thời chế tạo men bằng thảo mộc như người xưa đã làm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Việt lưu ý nên tận dụng nguồn đất đỏ phù sa tại địa phương và sản xuất gốm theo công thức của những mẫu đã khai quật được trong quá trình khảo cổ.

Hướng đi cho dòng gốm này, ông Triệu Văn Hiển, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, cho rằng điều cốt yếu phải tạo ra những sản phẩm có chất lượng, thích hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay. Tức là không chỉ sản xuất những sản phẩm gốm phục vụ nhu cầu sử dụng cho đời sống sinh hoạt như bình hoa, chum, lọ…mà phải sản xuất cả những sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ nhu cầu chơi gốm của người dân. Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam, nhấn mạnh đến việc phát huy tính sáng tạo của người sản xuất gốm, không nệ cổ về hình vóc, chủng loại, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng là hướng mà nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đang thực hiện. Theo nghệ nhân Vông, hiện có khá nhiều người dân Thuận Thành biết hoặc hành nghề có liên quan đến chất liệu gốm Luy Lâu nhưng để quy tụ cần có cơ chế và chính sách đãi ngộ thích hợp đồng thời phải tổ chức đào tạo thêm về mỹ thuật để nâng cao tính thẩm mỹ của sản phẩm gốm. HTX gốm Luy Lâu và Trung tâm khuyến công (Sở Công nghiệp Bắc Ninh) đang phối hợp đào tạo nghề cho một số thanh niên (kinh phí do tỉnh hỗ trợ một phần).

Điều kiện quan trọng nhất để gốm Luy Lâu có thể tồn tại và phát triển là đầu ra cho sản phẩm. Ông Lê Đắc Thuật, Phó giám đốc Sở Thương Mại – Du lịch, cần xây dựng phòng trưng bày gốm Luy Lâu và quy hoạch làng nghề phục vụ cho việc đưa vào tour du lịch. Qua đó mở ra triển vọng bán sản phẩm gốm lưu niệm và quảng bá sản phẩm với du khách trong và ngoài nước. Hiện gốm Luy Lâu đã có mặt tại thị trường một số tỉnh, thành phố trong nước nhưng mục tiêu lâu dài là hướng đến xuất khẩu. Ông Trần Hữu Đức (Việt kiều Mỹ, đại diện thương mại của nhiều hãng kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ) tỏ ra rất thích gốm Luy Lâu và khẳng định sẽ ký hợp đồng mua sản phẩm (3-10 container/tháng). Nghệ nhân Vũ Hữu Nhung (giám đốc công ty THHH gốm mỹ nghệ Sao Bắc – Phù Lãng) cho biết để xuất khẩu ổn định, gốm Luy Lâu phải rút ra bài học từ thất bại của nhiều làng gốm khác do quá tính toán đến lợi nhuận nên không cẩn trọng trong khâu sản xuất, sản phẩm làm ra chất lượng kém dẫn tới mất thị trường. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông cam kết sẽ áp dụng công nghệ nung đốt bằng khí ga và liên tục thiết kế mẫu mã mới để giữ vững chất lượng và thương hiệu gốm đỏ vùng Dâu. Tuy nhiên cái khó lớn nhất hiện nay là HTX chỉ sản xuất nhỏ lẻ, chưa có đủ mặt bằng, nhà xưởng để đáp ứng những đơn đặt hàng lớn. Ông Hoàng Huy Tập, Phó giám đốc Sở Công nghiệp, hứa sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương cùng với HTX tháo gỡ khó khăn về vốn, mặt bằng, công nghệ.

Một cuộc hội thảo chưa thể là lời giải cuối cùng nhưng cũng đã phần nào gợi mở hướng đi cho những người tâm huyết với gốm Luy Lâu, tạo điều kiện cho các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương hoạch định chính sách hỗ trợ làng nghề. Muốn khôi phục và phát triển dòng gốm cổ quý giá này, vẫn còn nhiều việc phải làm trong tương lai nhưng như ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc “sự hỗ trợ của chính quyền, sự đồng thuận của người dân địa phương và lòng tâm huyết, tài hoa của người nghệ sỹ sẽ tạo ra xung lực mới cho gốm Luy Lâu khởi sắc…”

bien tan yaskawa v1000