Là một trong những dòng gốm cổ xưa bậc nhất tại Việt Nam, gốm Luy Lâu những năm gần đây trở nên nổi tiếng và được chú ý bởi một dòng sản phẩm độc đáo và hấp dẫn với sự giao thoa giữa 2 yếu tố truyền thống – hiện đại khá nhuần nhuyễn.
HTX Gốm mỹ nghệ Luy Lâu (Mãn Xá, Thuận Thành) do nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông làm Chủ nhiệm là điểm đến của chúng tôi sau khi có thông tin về chiếc lọ ngọc bình dự kiến sẽ ra mắt trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Say sưa kể về nghệ thuật chế tác gốm Luy Lâu và những giá trị của dòng gốm cổ qua sự trải nghiệm cùng tấm lòng yêu mến, trân trọng, quyết tâm khơi nguồn cho ngọn lửa lò mãi cháy trên quê hương mình, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông khiến chúng tôi bị cuốn hút và bất ngờ.
Vùng đất cổ Luy Lâu với tầng tầng lớp lớp văn hoá ẩn sâu cũng vì thế càng hấp dẫn giới trẻ mà chúng tôi mới chỉ được nghe và biết đến chút ít qua sách sử. Mang đậm nét dân gian, các sản phẩm gốm cổ Luy Lâu được khoác lên mình một loại men lạ mắt màu xanh ô liu trầm ấm và trong vắt… Phần nhiều trong câu chuyện giữa chúng tôi là những sản phẩm mà HTX Gốm mỹ nghệ Luy Lâu chế tác ra mắt vào dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, trong đó tôi đặc biệt chú ý đến chiếc lọ ngọc bình trên nền ý tưởng khắc hoạ một Bắc Ninh-Kinh Bắc giàu đặc trưng qua phương pháp tạo hình truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông cho biết, chiếc lọ ngọc bình kính mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có chiều cao 4,2m, đường kính 2,1m, ước tính trọng lượng sẽ là 2,2 tấn do đội ngũ nghệ nhân HTX gốm Luy Lâu thực hiện.
Hiện tại chiếc lọ ngọc bình đang được chế tác phần mộc với 50% khối lượng công việc đã hoàn thành, dự kiến ra mắt vào đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chiếc lọ ngọc bình đã và đang được sản xuất hoàn toàn thủ công dưới bàn tay sáng tạo của khoảng 10 hoạ sỹ, nghệ nhân, dự kiến trang trí bằng những hình tượng nghệ thuật phản ánh lịch sử văn hoá 4.000 năm dựng và giữ nước của dân tộc với những chiến công hiển hách của cha ông trong giữ gìn giang sơn, gấm vóc, mở rộng bờ cõi… với nguyên liệu đất lấy từ 63 tỉnh, thành trong cả nước được phối trộn hài hoà và hợp lý với đất gốm chính tại xã Hà Mãn (đất cổ Luy Lâu).
Vì là sản phẩm hướng tới Đại lễ nên việc lấy đất của 63 tỉnh, thành để sản phẩm có giá trị tâm linh hơn, như lời nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông thì nó cũng giống như việc quy tụ hàng trăm người con từ khắp mọi miền đất nước về trong ngày giỗ Tổ Hùng vương.
Miêu tả một số nét chính của sản phẩm lọ ngọc bình, nghệ nhân Vông cho biết: chiếc ngọc bình có kiểu dáng hình tròn với 5 phần: nắp, miệng, cổ, thân, đế với chiều cao và đường kính hài hoà, hợp lý, tạo dáng thanh thoát với thế thăng hoa mà rất vững chắc. Sản phẩm lọ ngọc bình sẽ có cảnh sinh hoạt và các lễ hội đặc trưng của người Kinh Bắc: Quan họ giao duyên, cây đa, bến nước sân đình, cảnh đấu vật, đánh đu, chọi gà, rối nước… cùng với những di tích văn hoá nổi tiếng: chùa Dâu, chùa Bút Tháp, Lăng Kinh Dương Vương, đình Đình Bảng, Đền Đô, Văn miếu Bắc Ninh… và các làng nghề cổ truyền: gốm Luy Lâu, tranh dân gian Đông Hồ, đúc đồng Đại Bái, tranh tre Xuân Lai, làng gỗ Đồng Kỵ, giấy Phong Khê…
Đặc biệt, hình ảnh vua Lý Thái Tổ với Chiếu dời đô và chiến thắng Như Nguyệt trên phòng tuyến sông Cầu hứa hẹn mang lại cho người xem những góc nhìn phong phú và tương đối đầy đủ về văn hiến Bắc Ninh.
Trên vai lọ ngọc bình là đôi rồng thời Lý vươn mình, thể hiện sức mạnh khẳng định vị thế Thăng Long mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ; nắp bình là cả toà sen nâng đỡ ngôi tháp Hoà Phong sừng sững toạ lạc biểu tượng cho thời kỳ thanh bình thịnh trị; trên bình có vầng nhật – nguyệt, có chữ Đạo và chữ Tâm… Sản phẩm được phủ bởi màu gốm đỏ, men xanh ngọc đầy sang trọng và kiêu hãnh.
Nhiệt tâm với việc chế tác sản phẩm lọ ngọc bình, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông hy vọng rằng đây sẽ là sản phẩm độc nhất vô nhị và đạt kỷ lục chiếc ngọc bình lớn nhất Việt Nam. Được biết, một chiếc lọ ngọc bình khác có kích thước nhỏ hơn (cao 2,7m, đường kính thân rộng nhất 1,3m, nặng xấp xỉ 700kg) do Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hải Phòng phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lựa chọn và đặt hàng nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã hoàn thành. Với quyết tâm và nỗ lực phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 9, hy vọng rằng chiếc lọ ngọc bình lớn nhất Việt Nam sẽ xuất hiện như biểu hiện tấm lòng thành của những người con Kinh Bắc hướng tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.